Phân khu quy hoạch sông Hồng là nhân tố tác động lớn đẩy giá đất Đông Anh tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch thực của thị trường không nhiều, nhà đầu tư đến rồi lại đi.
Đất Xuân Canh – Tàm Xá tăng dựng đứng
Được biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến phê duyệt vào tháng 6, có chiều dài khoảng 40 km bắt đầu từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích). Trong đó, có 8 bãi sông được đề cập trong đồ án, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức thì riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Như vậy, Tàm Xá – Xuân Canh thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) sẽ là khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỉ lệ lớn nhất. Đây cũng là tâm điểm của cơn sốt đất tại Đông Anh thời gian vừa qua. Theo khảo sát, giá đất tại khu vực này đã tăng dựng đứng trong thời gian ngắn. Đất mặt tiền khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ có giá chào bán 28-35 triệu đồng/m2 thì đến tháng 3/2021, giá bị đẩy lên mức 51-69 triệu đồng/m2. Thậm chí chỉ là những mảnh trong ngõ nhỏ tại Lực Canh, Vạn Lộc, Văn Thượng cũng tăng từ 13-17 triệu đồng/m2 lên mức 19-26 triệu đồng/m2.
Đất Đông Anh đang bị thổi giá, tăng dựng đứng
Tại Tàm Xá, đất trong ngõ rộng, hai ô tô tránh nhau, xung quanh chưa có cửa hàng buôn bán được hét giá lên tới 50-60 triệu đồng/m2, trong khi mới cuối năm 2020, giá rao bán chỉ đạt 22-28 triệu đồng/m2 mà không có người hỏi mua. Đất mặt đường công viên Tàm Xá được hét lên 58-65 triệu đồng/m2, trước đó 3 tháng giá rao chỉ là 30 – 40 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ ngách nhỏ cũng tăng từ 12-15 triệu đồng/m2 lên mức 16-23 triệu đồng/m2.
“Ăn” theo sức nóng của khu vực Xuân Canh – Tàm Xá, nhiều khu vực khác của Đông Anh cũng “dậy” sóng. Đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá rao bán là 55-70 triệu đồng/m2, trong khi giữa năm 2020, giá chào bán chỉ là 40-45 triệu đồng/m2. Cùng biên độ thời gian, đất vị trí mặt tiền tại Nguyên Khê cũng tăng từ 35-47 triệu đồng/m2 lên mức 48-64 triệu đồng/m2.
Nhà đầu tư đến rồi lại đi
Anh Huy Chiến, một môi giới tại Đông Anh cho biết từ khi có thông tin về phân khu quy hoạch sông Hồng, làn sóng nhà đầu tư ở khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận đổ về Đông Anh xem đất ngày một đông đảo. Trung tuần tháng 3, lượng người mua tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, đáng chú ý, theo anh Chiến, lượng người mua áp đảo ở thời điểm này lại là giới đầu cơ, đầu tư địa phương ôm đất nhằm đón làn sóng nhà đầu tư ở nơi khác đến.
Khoảng chục ngày nay, dù lượng người đổ về Đông Anh xem đất vẫn nhiều nhưng giao dịch thực không đáng kể. “Nhà đầu tư đến xem đất rồi ra về, không có sự phản hồi với anh em môi giới. Tôi và anh em trong văn phòng tiếp rất nhiều khách nhưng giao dịch thực lại rất hiếm”, anh Huy chia sẻ.
Thổi giá quá đà
Nhà đầu tư Tạ Tuấn Cường (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, anh đã dành 4 ngày liền “quần thảo” thị trường Đông Anh và vô cùng ngạc nhiên khi khu vực này tốc độ đô thị hóa chưa hề cao nhưng giá đất lại ngất ngưởng ngang với khu vực nội thành. “Nhiều chỗ bò gặm cỏ, cỏ mọc um tùm, xung quanh không có nhà dân mà giá chào bán cũng 50-70 triệu đồng/m2, ngang với giá nhà mặt phố kinh doanh được trong các ngõ lớn sầm uất của Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy. Với giá đất Đông Anh như hiện nay thì tôi thà chọn mua nhà mặt phố trong nội thành vừa đảm bảo được dòng tiền và lãi vốn”, ông Cường cho biết.
Chị Nguyễn Thị Trúc, một nhà đầu tư đến từ Bắc Ninh chia sẻ: “Là nhà đầu tư, tôi đi xem để biết thị trường Đông Anh đang nóng sốt như thế nào. Khu vực này còn nông thôn mà đất bị làm giá, giá cao hơn cả những con phố sôi động, sầm uất ở thành phố Bắc Ninh. Giá này tôi nghĩ đang bị thổi quá đà, nhà đầu tư non kinh nghiệm không cẩn thận có thể sẽ là người cuối ôm bom cảm tử”.