Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường.
Thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn và suy giảm cả về nguồn cung sản phẩm lẫn số lượng giao dịch
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có những báo cáo chuyên đề gửi đến Quốc hội trong đó đáng chú ý là các số liệu thống kê cho thấy sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản đã suy giảm về lượng giao dịch cũng như nguồn cung. Cụ thể, lượng giao dịch bất động sản giảm 70%, nguồn cung bất động sản giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và suy giảm so với các năm trước, cả về nguồn cung sản phẩm lẫn số lượng giao dịch.
Đánh giá về những nguyên nhân khó khăn của ngành bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, thủ tục cấp phép dự án mới còn nhiều ách tắc, nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản bị siết chặt, các ngành du lịch dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Những cảnh báo từ Bộ Xây dựng
Song song những yếu tố trên việc giới đầu cơ bất động sản đã lợi dụng các chính sách như chuẩn bị quy hoạch đô thị, quy hoạch cơ sở hạ tầng, mở rộng công trình đô thị… để đẩy giá nhà đất lên cao thu lợi làm bất ổn thị trường.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ giá sản phẩm nhà đất hiện tại chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực (giá trị hợp lý của nhà đất là giá cho thuê phải đạt mức lợi nhuận tiền gửi ngân hàng), chưa phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Ở góc nhìn khác, trong một báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm tất cả ở các ngành. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm 61,45%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,79%; giáo dục và đào tạo giảm 37,5%.
Cũng theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số 1.000 trên khắp cả nước phải dừng hoạt động.
Những kịch bản lạc quan
Các chuyên gia nhìn nhận thị trường vẫn sẽ rất khó đoán định khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên ở góc độ của mình, TS Đinh Thế Hiển dự báo kịch bản theo 2 hướng: Hướng thứ nhất thị trường sẽ suy giảm nhẹ, tích lũy và có cơ hội tăng trưởng năm 2021. Kịch bản này xảy ra khi Chính phủ triển khai hạ tầng ở mức hợp lý trong năm 2020-2021 và vẫn sử dụng mức kiểm soát tín dụng thận trọng trong khoảng 12-15%.
Ở kịch bản thứ hai ông cho biết thị trường sẽ tăng theo sóng trong thời gian ngắn rồi sẽ gặp biến động lớn, trong trường hợp Chính phủ đẩy mạnh giải ngân tiền đền bù các dự án hạ tầng, cung tiền mạnh cho đầu tư công quá mức và tăng tín dụng trên 17% để hỗ trợ kinh tế vượt qua dịch.
Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính chia sẻ: “Không thể nhận định giai đoạn phục hồi của thị trường bất động sản. Đây là một cuộc khủng hoảng không xuất phát từ nền kinh tế tài chính mà đến từ dịch bệnh. Thực tế, xu hướng phục hồi của thị trường đang dần được rút gọn lại như giai đoạn 2011-2013 chỉ mất 2 năm và trước đó thị trường cần 4-5 năm để trở về quỹ đạo ban đầu”.
Những kịch bản lạc quan cho thị trường bất động sản
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh, ông Vũ Tâm – Công ty bất động sản VIP nhìn nhận thực tế và cho rằng, không chỉ các ngành khác mà bất động sản cũng đang gánh chịu những tác động nặng nề từ dịch bệnh khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do không thể triển khai kinh doanh, chính vì vậy ông đã xây dựng hai phương án cho doanh nghiệp của mình để đối phó với dịch bệnh.
Phương án thứ nhất: Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào quý 2/2020 thì ngay sau đó các hoạt động mở bán dự án, kinh doanh của công ty sẽ được triển khai bình thường và cơ hội phục hồi vào cuối năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được với dự báo doanh thu và lợi nhuận như đã hoạch định trong thời gian dịch bệnh.
Phương án thứ hai là: Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối năm 2020, đây được xem là trường hợp xấu, khi đó công ty sẽ không thể triển khai các hoạt động kinh doanh bình thường, gần như các sản phẩm chính của công ty đã đầu tư như đất nền, bán buôn dự án, chuyển nhượng, hoạt động môi giới… sẽ bị đình trệ và chậm lại do ảnh hưởng chung của thị trường.
Lúc đó nguồn thu gần như đóng băng và lợi nhuận bằng không, doanh nghiệp phải chuẩn bị một nguồn tiền dự phòng đủ để trang trải chi phí, lãi vay và chờ đợi.